Thế kỷ 21 được gọi là “kỷ nguyên” của Công nghệ sinh học khi các quốc gia trên thế giới đua nhau phát triển lĩnh vực mũi nhọn này. Nhất là trong bối cảnh cuộc sống con người dần “thiếu an toàn” do dịch bệnh gia tăng, tình trạng kháng thuốc kháng sinh hay các thực phẩm chứa hóa chất độc hại… Vậy ngành Công nghệ sinh học là gì? Việc làm công nghệ sinh học cụ thể là gì? Chúng tôi mời bạn cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Nội dung chính
Vậy ngành Công nghệ sinh học là gì?
Công nghệ sinh học là lĩnh vực kết hợp công nghệ, quy trình kỹ thuật hiện đại cùng nền tảng khoa học trong sinh học (vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật) nhằm sản xuất và tạo ra các sản phẩm sinh học chất lượng cao.
Việc làm công nghệ sinh học bao gồm gì?
Giảng viên, Nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu, Trung tâm, Trường ĐH
Các kỹ sư và cử nhân ngành CNSH sau khi tốt nghiệp phần nhiều sẽ tiếp tục làm công việc giảng dạy hoặc nghiên cứu tại các Viện, Trung tâm hoặc trường đại học. Họ có hai sự lựa chọn là làm công việc này tại nước ngoài hoặc Việt Nam.
Một số người sẽ tiếp tục được giữ lại trường đại học của họ hoặc được nhận làm giảng viên tại các trường ĐH ở Việt Nam. Thường vị trí này dành cho các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hoặc giỏi.
Một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp CNSH sẽ xin các học bổng để tiếp tục các chương trình học bổng sau đại học tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Tại đây họ được làm việc trong một môi trường nghiên cứu hiện đại, chuyên nghiệp và có thể được làm việc với những Giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực của họ. Có nhiều người Việt Nam đã thành công tại nước ngoài và được thế giới ghi nhận.
Phần còn lại, các Kỹ sư và cử nhân CNSH sẽ tiếp tục làm việc tại các Viện, Trung tâm, trường ĐH như Viện Công nghệ sinh học, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Công nghiệp thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện nghiên cứu hệ Gen, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Trung tâm CNSH TPHCM, Trung tâm CNSH Đà Nẵng, Trung tâm Pháp y, Trường ĐH Quốc gia HN, ĐHQG TPHCM… Tại đây họ ký hợp đồng hoặc làm việc chính thức cho các PTN hoặc Khoa, Bộ môn. Công việc của họ là thực hiện các đề tài nghiên cứu hoặc triển khai các ứng dụng của CNSH vào đời sống. Mức thu nhập của các nghiên cứu viên trong nước tương đối thấp, tương đương với thu nhập của các cán bộ công chức nhà nước.
Kỹ thuật viên xét nghiệm tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm chăm sóc sức khỏe…
Tốt nghiệp CNSH, các kỹ sư và cử nhân có thể sẽ được làm việc với vai trò một kỹ thuật viên xét nghiệm. Phần lớn kỹ thuật viên xét nghiệm y tế chỉ có thể đảm nhận cho các xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, đông máu, nước tiểu; còn các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh và sinh học phân tử thì những người tốt nghiệp CNSH sẽ làm tốt hơn họ.
Cử nhân, Kỹ sư CNSH có nền tảng cơ bản về Tế bào, Miễn dịch, Sinh học phân tử, Hóa sinh, do đó họ sẽ thực hiện được các xét nghiệm như:
– Xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh bằng kỹ thuật PCR, Realtime PCR
– Xét nghiệm các đột biến, ung thư bằng realtime PCR và giải trình tự gen
– Nghiên cứu cấu trúc nhiễm sắc thể bằng kính hiển vi, nuôi cấy tế bào
– Xét nghiệm nhanh các bệnh bằng các bộ kit hoặc phản ứng ELISA
– Nuôi cấy và định danh các loại vi khuẩn gây bệnh…
– Xét nghiệm ADN cho phân tích huyết thống, hài cốt liệt sỹ, hình sự…
– Làm việc tại các phòng thụ tinh ống nghiệm IVF
Hiện tại, ở Việt Nam, rất nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh viện tư nhân, trung tâm chăm sóc sức khỏe đã đầu tư thiết bị xét nghiệm vi sinh và sinh học phân tử. Do vậy, cơ hội làm việc của các sinh viên tốt nghiệp CNSH tại đây là rất lớn.
Kỹ thuật viên PTN phân tích, kiểm nghiệm, công ty Công nghệ sinh học, xét nghiệm ADN tư nhân
Nhiệm vụ chính của các kỹ thuật viên là xét nghiệm, phân tích chất lượng sản phẩm của đối tác hoặc của chính công ty họ sản xuất ra. Phần lớn các công ty trên là công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài, có môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt nội quy lao động. Tuy nhiên, các công ty này thường có phòng thí nghiệm ở cách xa thành phố, do vậy các nhân viên sẽ bị hạn chế thời gian sinh hoạt tương đối nhiều.
Giáo viên Trung học giảng dạy môn Sinh học
Một số sinh viên tốt nghiệp CNSH, nếu họ yêu thích con đường giảng dạy môn Sinh học tại các trường THPT hoặc THCS, họ có thể theo học tiếp các chương trình đào tạo kỹ năng sư phạm để làm công việc này. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, lượng giáo viên tốt nghiệp ngành sư phạm Sinh học đã dư thừa. Do vậy, cơ hội làm việc giảng dạy là không cao cho các cử nhân CNSH.
Trong bài viết này chúng tôi đã giúp bạn hiểu thêm về việc làm công nghệ sinh học. Bạn có thể tham khảo để tích lũy thêm cho mình những thông tin bổ ích về ngành nghề này.